Ngành công nghiệp hàng không dân dụng của Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn bùng nổ, trở thành một trong 3 thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Hàng không Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Theo hãng tin Reuters, ngay cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ 5%, mức độ tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua, nhu cầu sử dụng hàng không nội địa lại tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Điều đó giúp Việt Nam trở thành thị trường “béo bở” của các hãng máy bay lớn như Boeing, Airbus và các nhà sản xuất máy bay tầm cỡ khu vực như Mitsubishi, Bombardier và Embraer.
Hiệp hội hàng không quốc tế dự tính sang năm, Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới về chở hành khách và chở hàng quốc tế và tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới về chở khách nội địa.
Cục hàng không dân dụng Việt Nam ước tính trong năm nay dịch vụ hàng không nội địa tăng trưởng 15%, gấp đôi mức tăng 7% của năm ngoái. Mặc dù xuất phát điểm thấp, nhưng trong vài năm tới các hãng hàng không ở Việt Nam sẽ tăng tăng gấp đôi hoặc gấp ba số máy bay để phục vụ cho thị trường nội địa với 90 triệu dân và số lượng du khách nước ngoài tăng với tốc độ 20% mỗi năm.
Tháng trước, VietJet, hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, lên kế hoạch đặt mua thêm tới 92 chiếc máy bay Airbus với tổng trị giá 9 tỷ USD. Hãng hàng không giá rẻ này đang đặt mục tiêu vào năm 2015 sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Hong Kong hoặc Singapore để tìm nguồn vốn mở rộng kinh doanh.
Theo ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietJet, hãng này sẽ bắt đầu với các chuyến bay tới Tokyo, Bắc Kinh, Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia) và Hàn Quốc và cuối cùng sẽ là Trung Quốc, Nga, Australia và các nước khác. “Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể sẽ mở các chuyến bay tới Mỹ, nơi đang có 4 triệu người gốc Việt sinh sống. Họ đang nóng lòng chờ đợi Vietjet”, ông Khánh cho biết. VietJet có kế hoạch tăng gấp đôi số máy bay tới 20 chiếc vào năm 2015 và đang tăng tốc liên doanh với 3 hãng hàng không khác trong khu vực bao gồm một hãng hàng không chưa rõ tên ở Myanmar và hãng KanAir của Thái Lan.
Tốc độ tăng trưởng cao của Vietjet trong chưa đầy 2 năm qua có thể ảnh hưởng tới hoạt động làm ăn của không chỉ các hãng hàng không giá rẻ khác của Việt Nam mà còn cả các hãng nước ngoài như AirAsia của Malaysia và Lion Air của Indonesia. Các kế hoạch tham vọng của Vietjet cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của hãng hàng không nhà nước Vietnam Airlines.
Hiện Vietnam Airlines đang thống lĩnh thị trường hàng không Việt Nam và có kế hoạch tăng 28% số máy bay lên thành 101 chiếc vào năm 2015. Hãng này cũng đang chuẩn bị cho lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) vào quí II năm 2014. “Dự án đó đang theo đúng lịch trình”, ông Lê Trường Giang, đại diện của VietnamAirlines, cho biết. Vietnam Airlines có cả máy bay Airbus và Boeing và đã đặt mua máy bay Boeing 787 Dreamliner và Airbus A350.
Theo hãng Boeing, Vietnam Airlines đã đặt hàng 8 chiếc 787 và thuê thêm 11 chiếc khác qua các công ty cho thuê máy bay. Hãng hàng không này cũng có cổ phần trong hãng hàng không giá rẻ JetStar, hãng hàng không liên doanh với hãng Qantas Airways của Australia. Hãng JetStar có kế hoạch tăng gấp ba số máy bay của mình từ 5 chiếc Airbus A320 cho tới 16 chiếc trong vài năm tới.
Các chuyên gia hàng không cho rằng tiềm năng tăng trưởng ngành hàng không bắt nguồn chủ yếu từ vị trí địa lý của Việt Nam mà ông Khánh gọi là “vị trí đắc địa”. Việt Nam có chiều dài 1.650 km với các thành phố lớn và các khu du lịch nằm cách xa nhau trong khi hệ thống đường bộ và đường sắt rất kém phát triển. Việt Nam cũng chỉ cách Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và Trung Quốc vài giờ bay và số khách du lịch tới Việt Nam đang tăng nhanh.
Trong 9 tháng đầu năm 2013, đã có 5,5 triệu khách tới Việt Nam, tăng 10% so với cùng kì năm ngoái. Ông Khánh cho biết Vietnam Airlines sẽ tăng dần số máy bay và từ nay tới năm 2022, mỗi năm hãng này sẽ nhận từ 5 tới 10 chiếc máy bay Airbus. “Số máy bay hiện có vẫn chưa đủ”, ông Khánh nói.
Theo ông Timothy Ross, một nhà phân tích về hàng không, cho rằng trong bối cảnh đó, các kế hoạch mở rộng của VietJet là rất khôn ngoan. Ông Ross nhận định rằng hãng JetStar có lẽ sẽ “chiến đấu” trong bối cảnh cạnh trang trong ngành hàng không ở Việt Nam đang dần gay gắt trong khi Vietnam Airlines vẫn đang tìm mọi cách trì hoãn cổ phần hóa. “Đáng lẽ Vietnam Airlines phải phát hành cổ phiếu IPO từ cách đây 3 tới 5 năm nhưng hãng này không hành động gì hết. Cạnh tranh trong ngành công nghiệp hàng không là điều không thể tránh khỏi”, ông nhận xét.
(Nguồn:news.zing.vn)