Nhiều cảng hàng không quốc tế quy mô, hiện đại nhưng chỉ phục vụ các chuyến bay trong nước.
Sân bay quốc tế chưa phát huy hết vai trò
Được đầu tư xây dựng, mở rộng nâng cao năng lực phát triển nhằm khai thác các đường bay quốc tế, đến nay, mới chỉ có cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tiếp nhận các chuyến bay quốc tế thường lệ đi Mát-xcơ-va và các chuyến bay không thường lệ đến từ Nga, Hàn Quốc.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết tại hội nghị xúc tiến bay đến các CHKQT Phú Bài, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc, Cần Thơ tổ chức ngày 10/9 tại TP.HCM.
Lãng phí
Hai CHKQT Cần Thơ và Phú Quốc hiện đại nhất (cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO) trong cụm năm CHKQT nói trên. Cả hai có đường băng cất, hạ cánh 3.000x45m và hệ thống đường lăn. Sân đỗ máy bay có khả năng tiếp nhận các loại máy bay Airbus 320, Airbus 321, Boing 747 (riêng sân bay Phú Quốc có thể tiếp nhận loại máy bay Boing 777) và tương đương.
Sân bay còn được trang bị hệ thống đèn tiếp cận đường hạ, cất cánh phục vụ các chuyến bay đêm, thời gian 24/24. Nhà ga hành khách trang bị đầy đủ cho quy trình khai thác các chuyến bay quốc tế, quốc nội.
Theo Cục hàng không (HKVN), khả năng khai thác quốc tế cả hai CHKQT Cần Thơ, Phú Quốc là 1,5 triệu lượt khách/năm. Hiện nay, hai CHKQT trên đã có đường bay nối với Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, chỉ có CHKQT Cần Thơ thi thoảng tiếp nhận một số chuyến bay quốc tế, thuê chuyến đưa khách đi Đài Loan. Cả hai được đầu tư hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế nhưng hầu hết chỉ phục vụ các đường bay nội địa.
Xem thêm:
Tình hình khai thác các đường bay nội địa cũng rất èo uột. Từ tháng 5/2009, do gặp khó khăn, Jetstar Pacific Airlines ngưng khai thác đường bay đi và đến CHKQT Cần Thơ sau năm tháng hoạt động. Sản lượng khai thác năm 2012 chỉ đạt 200.000 lượt khách, dự kiến năm 2013 là 235.000 lượt khách. Còn tại CHKQT Phú Quốc, sản lượng năm 2012 đạt 493.000 lượt khách; năm 2013 dự kiến là 710.000 lượt khách.Trong khi đó, cả hai CHKQT nói trên có công suất thiết kế lên tới 3 triệu lượt khách/năm; phục vụ từ 1.100 -1.600 khách/giờ cao điểm.
Hai CHKQT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), Liên Khương (Lâm Đồng) được đầu tư xây dựng khá hiện đại, đạt cấp 4D (Liên Khương), 4C (Phú Bài). CHKQT Phú Bài đã có đường bay qua Lào, khu vực Đông Bắc Á. Riêng Liên Khương đã có đường bay qua Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Đông Bắc Á nhưng khả năng khai thác các chuyến bay quốc tế còn bỏ ngỏ.
Lượng khách quốc nội qua CHKQT Phú Bài năm 2012 đạt xấp xỉ công suất thiết kế (1 triệu lượt khách/năm). Riêng CHKQT Liên Khương chỉ đạt 387.000 lượt khách, trong khi công suất thiết kế 1,5-2 triệu lượt khách/ngày.
Hệ số sử dụng ghế đạt trên 80% nhưng còn quá ít hãng hàng không quan tâm đến cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Liên Khương, Phú Quốc, Cần Thơ.
Trải thảm đỏ
Đó là cam kết của lãnh đạo Bộ GTVT và Cục HKVN với các hãng hàng không. Theo Cục HKVN, tiềm năng khai thác 5 CHKQT nói trên vẫn còn rất lớn với dân số lên tới hơn 4 triệu người, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11-14%/năm. Khu vực có các điểm đến du lịch đa dạng, là thị trường hấp dẫn với các đường bay quốc tế khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á cũng như khách châu Âu đến từ Nga.
Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh cho biết VN đang thực hiện chính sách giảm dần sự điều tiết đối với vận tải hàng không thông qua các thỏa thuận song phương, đa phương, phát triển thị trường vận tải hàng không theo hướng mở, gắn liền với khu vực và thế giới.
Để khuyến khích các hãng hàng không đến các CHKQT Phú Bài, Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc, VN tạo điều kiện tối đa về quyền vận chuyển, chính sách giá, các điều kiện về thương mại và khai thác khác (slots, liên doanh, liên danh…) cho các hãng.